Sở hữu những lợi thế khác biệt, cùng nhiều dự án tầm cỡ đã được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đã đưa Đắk Lắk trở thành điểm dừng chân mới của giới đầu tư bất động sản trong cả nước.
Lợi thế từ sự khác biệt
Đắk Lắk – địa phương nằm trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, sở hữu những ưu thế vượt trội góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực Tây Nguyên.
Trước hết, đó là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng phát triển nông nghiệp. Cụ thể, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, cho phép hình thành một nền nông nghiệp hiện đại. Hiện, Đắk Lắk đang là tỉnh trọng điểm phát triển cây cà phê, tiêu, cao su… của cả nước. Trong đó, cà phê đã định hình được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Niên vụ 2017 – 2018, xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt 191 tấn, với kim ngạch 365 triệu USD…
Bên cạnh, Đắk Lắk còn có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo. Một khảo nghiệm mới đây cho thấy, năng lượng mặt trời ở đây dao động từ 4,3 – 5,7 triệu kwh/m2, số giờ nắng cao đạt từ 2.000 – 2.600 giờ/năm; điện gió có tổng công suất quy hoạch là 1.452 MW, tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ. Với những thông số này, việc hình thành những cánh đồng điện gió, điện mặt trời sẽ rất khả thi, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của cả nước trong tương lai gần.
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch |
Ngoài ra, địa phương này còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kết hợp nền văn hóa độc đáo mang đến cho tỉnh tiềm năng to lớn để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Đắk Lắk, 3 tháng đầu năm 2019, Đắk Lắk đón trên 350 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt gần 200 tỷ đồng. Có thể kể đến một số địa điểm du lịch đặc sắc như thác Krông Kmar, thác Suối mơ, hồ Lăk, hồ Ea Kao, hồ Ea Nhái, vườn quốc gia Yok Đôn, khu lâm viên Ea Kao…
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có lợi thế vượt trội với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện. Việc di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… trở nên dễ dàng nhờ sân bay Buôn Ma Thuột và các tuyến quốc lộ 14, 26…
Thị trường bất động sản tiềm năng
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đăng ký 71.619 tỷ đồng.
Trước đó, tỉnh cũng đã phê duyệt quyết định đầu tư 100 dự án trên địa bàn với tổng số vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Nổi bật như Khu công nghiệp Phú Xuân tại huyện Cư M’gar; Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn AES (Mỹ); Nhà máy cấp nước sạch tại huyện Krông Ana… Đặc biệt, dự án Khu du lịch sinh thái, sân golf hồ Ea Kao với diện tích 400 ha được kiến tạo để trở thành sân golf 27 lỗ và khu biệt thự nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế.
Hàng loạt các dự án tầm cỡ được phê duyệt đầu tư đã thu hút các nhà phát triển bất động sản đến thị trường Đắk Lắk để tìm kiếm cơ hội. Hiện, các dự án bất động sản đầu tư vào địa phương chủ yếu là các khu dân cư, khu đô thị có quy hoạch đồng bộ và hiện đại. Điển hình như Khu dân cư hồ sinh thái Xã CưÊbur; Khu dân cư Nam Sơn; Khu dân cư Happy Residence; Khu đô thị Buôn Hồ Central Park, Khu đô thị The Coffee City; Khu đô thị KM7; Khu đô thị HighLands Park Complex; Khu đô thị Bắc Tân Lợi. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng, khách sạn, chung cư cũng phát triển ngày càng nhiều, góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về du lịch, kinh tế thương mại và dịch vụ nơi đây…
Tòa chung cư hiện đại thuộc dự án Buôn Hồ Central Park, thị xã Buôn Hồ |
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng đưa Đắk Lắk trở thành điểm dừng chân lý tưởng của giới đầu tư bất động sản, bởi những thị trường bất động sản lớn trong cả nước đã phát triển được một thời gian tương đối dài. Thậm chí, có thể thấy một số nơi thị trường đã có dấu hiệu bão hòa, giá cả bị đẩy lên đến mức quá cao, làm giảm cơ hội gia tăng giá trị trong tương lai và ẩn chứa rủi ro. Trong khi đó, thị trường bất động sản tại Đắk Lắk đang ở vào giai đoạn sơ khai nên mức giá còn hợp lý và đảm bảo khả năng tăng giá ở tương lai.
Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đắk Lắk xác định phát triển kinh tế theo hướng “xanh”, bền vững. Đồng thời, xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng. Bởi vậy, những dự án địa ốc ở Đắk Lắk đã và đang được triển khai hứa hẹn tạo nên một thị trường bất động sản hứa hẹn sôi động không kém gì Đà Nẵng hay Nha Trang.
Thủy Triều